Độc đáo Đình Quan Lạn. Huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh

Độc đáo Đình Quan Lạn. Huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh

Các tour du lịch khuyến mại
Độc đáo đình Quan Lạn tại đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh

Có dịp đi du lịch Quan Lạn, một điểm tham quan bạn không nên bỏ qua đó là: Đình Quan Lạn. Quan Lạn có một quần thể di tích đình, chùa, miếu, nghè đã tồn tại từ rất lâu đời nhưng nổi bật nhất phải nói tới chính là ngôi đình quay mặt ra hướng biển cả bao la được xây dựng ở thương cảng cổ Cái Làng dưới thời hậu Lê (khoảng thế kỷ XVII). Vào thời nhà Nguyễn, ngôi đình ở thương cảng cổ Cái Làng được di chuyển về Quan Lạn và đặt tên mới là đình Quan Lạn. Trước, đình có kết cấu mặt bằng hình chữ công gồm bái đường 5 gian, 2 chái, 1 hậu cung ở phía sau. Vị trí đình hiện nay được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 12 trên thế đất nhìn ra biển. Phía trước là 3 ngọn núi: Sao Trong, Sao Ngoài, Sao Ơn và 5 đỉnh núi sau lưng. Từ Cái Làng về Quan Lạn đình phải chuyển đến 3 lần. Có một sự giải thích khá thú vị của các cụ trong làng rằng: Thoạt tiên đình được xây dựng ở chân núi Đông Đồn. Sau một thời gian chuyển về thôn Nam làm theo kiểu chữ khẩu và từ bấy ở đây thường xảy ra cãi cọ, xô xát đến mức túm tóc cắt búi tó của nhau nên người ta phải một lần nữa di chuyển về thôn Đoài như ngày nay.

Đình được làm bằng gỗ mần lái, mịn và chắc hơn gỗ lim, đặc biệt chống được sự ăn mòn của hơi nước biển. Gỗ Mần Lái mọc trên núi đá, áng đá. Loại gỗ này chỉ có ở đảo Cát Bà và hiện khai thác rất khó khăn. Thế mới biết được sự kỳ công và sức người để có được một ngôi đình có quy mô, đẹp đẽ như bây giờ.

Ngôi đình mang trong mình khá nhiều điểm “đặc biệt” mà mỗi cư dân trên đảo đều rất tự hào. Trên nền đất rộng khoảng 500m2 có tới 32 cột cái, 26 cột quân, cột to nhất có chu vi đến 3,2m thế nên hai người chúng tôi cầm tay mà vẫn chưa ôm hết 1 vòng cột đình. Điều hiếm gặp ở những ngôi đình làng! Đình Quan Lạn còn đặc biệt ở chỗ là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng vua Lý Anh Tông - người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 và tướng Trần Khánh Dư - người trấn ải Vân Đồn. Hiện tại trong đình vẫn còn 18 đạo sắc phong của các vua thời Nguyễn ghi rõ công đức này.

Ấn tượng thích thú nhất là sự hiện diện của những chạm khắc rồng tinh xảo. Hình ảnh rồng có mặt ở khắp mọi nơi trong đình từ mái, góc đao, ba mặt của đầu bẩy, đầu dư, trên cửa võng, xà, kèo… với đủ dạng thức: Rồng luồn trong chớp lửa, rồng cuộn trong mây, rồng trên cuốn thư, rồng chầu mặt nguyệt… và thậm chí có những đầu bẩy có đến 9 con rồng hòa quyện. Mặc dù được xây dựng ở thời hậu Lê nhưng điêu khắc hình rồng ở đình Quan Lạn thể hiện được nhiều dáng dấp kiến trúc các triều đại khác như Lý, Trần, Nguyễn như đuôi rồng thời Trần uốn mây; rồng thời Lê mắt xếch, râu bờm; rồng thời Nguyễn nhe răng, râu dài, móng sắc nhọn. Nhiều là vậy nhưng những người thợ tài hoa năm xưa đã khéo léo đan xen nên không tạo cảm giác rối mắt khó chịu. Mỗi đường nét đều được chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ và tinh tế khiến hình ảnh rộng ở đây đầy sinh động. Theo tay chú Duyệt, tôi biết thêm những họa tiết khắc khá lạ mà nãy giờ ngơ ngác chưa hiểu. Đó là con ngài tằm và con vỗ bụng. Đi hết miền Bắc khó có thể thấy ngôi đình làng nào thể hiện được nghề nghiệp cư dân địa phương như tại đình Quan Lạn. Hình ảnh con ngài tằm và con vỗ bụng (một giống tôm phổ biến của vùng) xuất hiện trong kiến trúc đã khẳng định sự hưng thịnh về nghề trồng dâu nuôi tằm và đánh bắt hải sản trên mảnh đất này.

Trải qua hơn 300 năm và nằm ở nơi đầu sóng ngọn gió, thời gian cũng đã để lại dấu vết ở ngôi đình nên một số cột trong đình đã được tu bổ trong năm 1995, 2002 và mới nhất là năm 2019. Tuy nhiên, sự không tinh tế của người thợ khi phết lên màu sắc cho cây cột thay vì phần lớn các cây cột gỗ là màu nguyên bản đã khiến nhiều người trong chúng tôi cảm thấy đáng tiếc. Và ngay chính chú Phạm Duyệt cũng buông tiếng thở dài khi nhắc lại câu chuyện tu bổ ngày trước.

Trời quang mây tạnh, cư dân trên đảo từ ngoài biển nhìn thấy bóng dáng đình là biết sắp trở về đến nhà. Tháng 6 âm lịch hàng năm tại đình làng tưng bừng diễn ra lễ hội Vân Đồn trong 10 ngày. Người đi làm ăn xa ở bất cứ nơi đâu để cố gắng về cho đông đủ, bà con trên đảo thì “nội bất xuất” 10 ngày vui chơi lễ hội và làm lễ cầu bình an. Vậy nên tới hòn đảo xinh đẹp Quan Lạn mà chỉ đắm say trong gió, cát biển thơ mộng mà quên đi ngôi đình cổ thì hành trang trở về của du khách phương xa sẽ ít nhiều tiếc nuối lắm thay.

Độc đáo Đình Quan Lạn. Huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh đạt 4.14 / 5 với 14 đánh giá