Nhà vườn Huế có nguy cơ đóng cửa hàng loạt

Nhà vườn Huế có nguy cơ đóng cửa hàng loạt

Các tour du lịch khuyến mại

Thực trạng hoạt động nhà vườn Huế

Nhiều du khách khi đi du lịch Huế (Thừa Thiên - Huế) háo hức được khám khá nhà vườn bởi lối kiến trúc cũng như không gian độc đáo, nhưng họ bất ngờ khi đến nhà vườn nào cũng bị lắc đầu từ chối.

Nhà vườn Huế được đưa vào hoạt động du lịch từ Festival Huế 2000 và nhanh chóng được du khách biết đến với những cái tên nổi tiếng như: An Viên, Lạc Tịnh Viên… Khác với cảnh tấp nập du khách như khi mới đi vào khai thác, đến với những tuyến nhà vườn ở Phú Mộng - Kim Long bây giờ là cảnh đìu hiu.

Ông Lê Khánh Tuấn, chủ nhà vườn điểm tham quan số 1 giải thích: “Hôm nào cũng mặc áo dài khăn đóng, đứng ở cổng đón khách, rồi vào nhà pha trà mời khách, có khi bỏ cả bữa để giới thiệu về nhà vườn, nhưng rốt cục vừa tốn thời gian mà lại chẳng thu được gì”.

Bà Nguyễn Thị Tuy, một chủ nhà vườn, phân trần gần chục năm mở cửa đón khách, ai cũng nghĩ làm du lịch sẽ giàu lên nhưng cuối cùng thì cũng chỉ có tiếng thôi. "Chúng tôi cũng muốn giới thiệu đến du khách nét đặc trưng của Huế nhưng chẳng lẽ cứ mãi làm không công”, bà Tuy nói và cho biết tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, chủ nhà vườn đều kiến nghị hỗ trợ kinh phí duy trì việc đón khách, nhưng không có hồi âm.

Cùng nỗi khổ tâm như ông Tuấn, bà Tuy, ông Hoàng Xuân Bậc, 80 tuổi, ở nhà số 4 của tuyến tham quan nhà vườn Phú Mộng bảo, cứ mỗi sáng phải dậy sớm lau chùi nhà cửa, mua hoa tươi về trang trí, nhưng làm không lương mãi cũng mệt. Tiếp khách cả ngày thì họa may mới có một vài vị khách đưa tiền trong khi thuế nhà vườn lại cao gấp 10 lần so với khi chưa đưa vào làm du lịch.

Để tự cứu mình, ông Bậc đã mở kèm dịch vụ ăn uống, giải khát. Tuy nhà vườn không còn yên tĩnh như trước, nhưng bù lại mỗi tháng gia đình ông có khoản thu để bảo tồn nhà vườn. “Nhiều chủ nhà vườn chỉ mở cửa đón khách, rồi khi nó xuống cấp không có tiền để sửa, đành phá đi xây nhà bê tông, thật uổng”, ông Bậc nói thêm.

Chính vì nghịch lý này mà nhiều du khách đã không dấu được sự ngỡ ngàng khi đến Huế. “Cả đoàn khách từ Hà Nội vào Huế để tham quan du lịch nhà vườn Huế vì nghe nói kiến trúc và không gian độc đáo, nhưng đến nhà nào chủ nhà cũng lắc đầu không tiếp, nhiều chủ vườn còn nổi cáu”, anh Minh, du khách đến từ Hà Nội, kể.

Ông Hoàng Xuân Bậc cho biết ngày nào cũng lau dọn nhà cửa đón khách nhưng thù lao thì không có trong khi thuế nhà vườn quá cao.

Giải pháp nào cho nhà vườn ở Huế ?

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, các hộ dân muốn bán vé phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế cho Nhà nước, nhưng cơ chế chưa rõ ràng nên chưa cho phép các chủ nhà vườn thu tiền. Còn việc hỗ trợ người dân, bà Hà lý giải do kinh phí nhà nước hạn chế.

Trao đổi với VnExpress sáng 9/12, ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh đã có quyết định về chính sách bảo tồn nhà vườn Huế, trước hết là giảm thuế cho người dân, chỉ tính diện tích đất ở theo thuế đất nhà vườn, còn diện tích vườn sẽ tính theo thuế đất nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ trùng tu.

Tuy nhiên, ông Lưu thừa nhận quyết định trên mới được áp dụng, số người dân được hưởng lợi chưa nhiều. “Chúng tôi đang tìm phương án kịp thời nhất để duy trì du lịch nhà vườn, trong đó có lên danh sách 157 nhà vườn tiêu biểu để có chính sách trùng tu, hỗ trợ”, ông Lưu nói.

Nhà vườn Huế có nguy cơ đóng cửa hàng loạt đạt 4.14 / 5 với 14 đánh giá